Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

https://www.qui.edu.vn


Quản lý nội dung SV đăng tải trên mạng xã hội -cần có sự phối hợp chặt chẽ vai trò của các đoàn thể xã hội trong nhà trường

Sự phát triển của internet đã mang lại nhiều tiện lợi cho con người; trong đó mạng xã hội đã góp phần kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, quốc gia... Đối với giới trẻ, đặc biệt các bạn sinh viên, mạng internet là một công cụ hữu dụng để tra cứu thông tin cũng như giải trí, giao lưu, thể hiện quan điểm cá nhân… Tuy nhiên, với những ứng dụng đặc biệt của internet, cụ thể là các trang mạng xã hội, không ít bạn trẻ đang lãng phí thời gian và chạy theo các giá trị “ảo”. Có những trường hợp sẵn sàng tung ảnh khoe thân, clip dung tục hay phát ngôn gây shock để thu hút sự chú ý.
Kết quả khảo sát của phóng viên Báo Quảng Ninh thực hiện đối với 200 sinh viên tại Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh và ĐH Hạ Long cho thấy: Về thời gian sử dụng internet có 65% các bạn trả lời sử dụng từ 5-7 tiếng, 15% sử dụng trên 7 tiếng và 20% sử dụng dưới 5 tiếng. Trong đó, đa số sinh viên đều có tài khoản mạng xã hội và truy cập thường xuyên trên các thiết bị như máy tính, laptop, điện thoại… Với câu hỏi: “Với những nội dung, hình ảnh dung tục, bạo lực được đăng tải trên mạng, bạn sẽ làm gì?”. Kết quả nhận được: 40% chọn phương án “bỏ qua”, 30% chọn việc “kêu gọi tẩy chay và báo cáo nội dung”, 10% chọn phương án chia sẻ trên kênh cá nhân và 10% chọn phương án khác. Điều đó cho thấy, sinh viên đã có ý thức phân biệt và lựa chọn thông tin.
          Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, mạng xã hội đã trở thành một phần trong cuộc sống của sinh viên hiện nay. Điều đó đồng nghĩa sức ảnh hưởng và lan truyền thông tin trên mạng xã hội là vô cùng lớn; và trước nội dung tiêu cực, thái độ của sinh viên vẫn chưa đủ cứng rắn và quyết tâm loại bỏ tận gốc.
Trước tác động tiêu cực  từ mặt trái của internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, Bộ GD-ĐT vừa ra Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo Đại học hệ chính quy. Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 23-5. Đáng chú ý, Quy chế mới được ban hành nêu rõ một trong những hành vi sinh viên không được làm là đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng internet. Bộ GD-ĐT cũng ban hành kèm theo Thông tư số 10 danh sách một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật sinh viên.
          Sau khi Quy chế được ban hành, đã có nhiều ý kiến khác nhau của sinh viên, phụ huynh và các cán bộ giáo dục. Bên cạnh những ý kiến đồng tình của với Quy chế mà Bộ GD-ĐT ban hành cũng còn nhiều sinh viên và cán bộ giáo dục vẫn còn có những thắc mắc như: đối với khái niệm về “dung tục” dường như còn khá rộng và chưa cụ thể để có thể áp dụng và kiểm tra. Bên cạnh đó, có những nội dung chỉ mang tính chất châm biếm hoặc không hướng đến đối tượng nhất định thì liệu có bị coi là ảnh hưởng đến danh dự của người khác không? quyền thông tin cá nhân liệu có bị ảnh hưởng không?....
          Bên cạnh những băn khoăn về các nội dung trong thông tư thì việc để thực hiện các quy định của Thông tư một cách hiệu quả cũng là điều lo lắng của các nhà quản lý. Cụ thể như việc kiểm soát, quản lý và phát hiện các nội dung được đăng tải trên mạng không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ, trên thực tế, không khó để xây dựng một tài khoản “ảo” trên mạng xã hội. Từ đó, nếu cá nhân hay một tổ chức có ý đồ xấu hoàn toàn có thể sử dụng tài khoản này để tuyên truyền và đăng tải các thông tin dung tục, bạo lực, đồi trụy... Thậm chí, cá nhân cũng có thể ngụy tạo ra các tài khoản giả mạo, sử dụng để kết bạn với các đối tượng liên quan để đăng tải và bình luận thông tin không đúng sự thật. Không những thế, do tồn tại trên mạng, nên các nội dung này có khả năng chỉnh sửa và xoá đi khi cần thiết nên rất khó lấy làm bằng chứng để xử lý hành vi vi phạm của sinh viên. Quá trình trao đổi với Sở Thông tin - Truyền thông cũng cho thấy, hiện nay các quy định về xử phạt những nội dung vi phạm trên mạng xã hội chưa rõ ràng, chưa có định lượng cụ thể về những vi phạm nên rất khó xử lý.
          Chính bởi sự phức tạp của vấn đề, vì thế, trong thời điểm hiện tại, công tác tuyên truyền giáo dục tại nhà trường là một trong những giải pháp khả thi, có tính chất lâu dài giúp sinh viên phân biệt và chọn lọc thông tin phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường cần thông qua Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên để kịp thời phát hiện, cảnh báo sinh viên những tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận; tạo môi trường đối thoại để sinh viên chia sẻ tâm tư, nguyện vọng; xây dựng lối sống trách nhiệm và lập trường quan điểm vững vàng cho sinh viên.