Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

https://www.qui.edu.vn


Những lời dạy của Bác đối với bộ đội, công an

Đời sống mới trong bộ đội nên như thế nào?
Những lời dạy của Bác đối với bộ đội, công an
Bộ đội là một đoàn thể tổ chức nghiêm ngặt đã sẵn, càng dễ thực hành đời sống mới.
Một là kỷ luật phải cực kỳ nghiêm.
Hai là siêng luyện tập.
Ba là làm cho trong bộ đội ai cũng biết chữ. Trong các bộ đội ta, ít nhất là một phần nửa binh sĩ đã biết chữ. Những người chỉ huy phải tổ chức cho khéo, ngoài những lớp học, giao cho mỗi một người biết chữ phụ trách dạy cho một hay hai người chưa biết, thì trong vài ba tháng, tất cả binh sĩ đều biết chữ.
Bốn là một người binh sĩ phải biết chính trị ít nhiều. Họ đem xương máu ra giữ gìn Tổ quốc, thì chẳng những họ phải hiểu vì sao mà hy sinh, họ lại phải có thể nói cho người khác biết vì sao phải yêu nước.
Năm là bộ đội cũng phải tăng gia sản xuất ... Tùy theo hoàn cảnh mỗi bộ đội, hoặc làm vườn, nuôi lợn, hoặc làm giúp dân. Có lúc bộ đội chia phiên nhau, lớp đánh giặc, lớp làm ruộng, làm vườn, để tự cấp tự túc, không phiền đến dân cả mọi việc.
Sáu là tiết kiệm. Tiết kiệm thuốc đạn, bắn cho đúng, không bắn phí đạn. Nhờ thế mà bớt dần nguyên liệu, bớt được công khó rèn đúc, công khó vận tải, đem tài liệu và công phu đó làm việc khác.
Tiết kiệm lương thực và vải vóc, chớ nghĩ rằng cơm ăn áo mặc đã có Chính phủ lo, đã có đồng bào giúp, thì ta không cần tiết kiệm. Bộ đội có hàng mấy vạn người. Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to.
Bảy là vệ sinh Bộ đội đông người ăn chung, ở chung, nếu có bệnh càng dễ lây cho nhau. Cho nên càng phải rất chú ý việc vệ sinh.
Tám là ăn ở cho được dân tin, dân phục, dân yêu. Hay giúp đỡ dân, giữ đúng kỷ luật thì được như thế.
Chín là đánh được nhiều giặc, lấy được nhiều súng.
Bộ đội này thi đua với bộ đội khác làm đời sống mới.
Đời sống mới, 1947, Sđd, tập 5, tr. 103 -104.
48. ... Tư cách người công an cách mệnh là:
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo.
Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng...
Ngoài ra, công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc cảu mình. Mỗi công an viên đóng chỗ nào thì cần dạy cho dân quân, tự vệ nơi đó cách điều tra, xét giấy, phòng gian, v...v. Dạy cho dân ở nơi đó giữ bí mật. Và tự mình phải luôn luôn lễ phép. Tránh hách dịch.
Tư cách người công an cách mệnh. 3 -1948, Sđd, tập 5, trang 406 - 407.
49. Công tác của người tướng là:
1. Đối với kỷ luật: Trong quân đội, mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm xuống tới mỗi đội viên. Chỗ nào mệnh lệnh không xuống tới thì chỗ đó hỏng. Báo cáo từ dưới lên, phải cho thật thà, nhanh chóng, thiết thực.
 
Về kỷ luật, phải thưởng phạt cho công minh. Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt, ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ.
 
2. Đối với binh sĩ, thì từ lời ăn, tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo, nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh.
 
Bộ đội cũng ví như con dao, cái súng, không lau chùi luôn sẽ hỏng. Chăm tập luyện sẽ tiến bộ. Bộ đội ta, tuy còn trẻ mà tiến bộ rất mau, nếu người tướng không chịu học hỏi, cứ đứng một chỗ thì nhất định bị lạc hậu.
 
3. Đối với dân, thì chắc các đồng chí đã có nhiều kinh nghiệm rồi. Bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi.
 
4. Đối với địch, thì tuyệt đối chớ khinh địch. Tục ngữ có câu: "Sư tử muốn bắt con chuột cũng phải dùng hết sức lực mới bắt được". Khinh địch thì nhất định sẽ thất bại.
 
Nói chuyện tại Hội nghị quân sự lần thứ 5, 8-1948, Sđd, tập 5, tr. 480.