Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

https://www.qui.edu.vn


Bác Hồ nói và thực hành "Kiệm"

Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư là những phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hàng ngày của con người. Vì vậy, Bác Hồ đã đề cập đến phẩm chất này nhiều nhất, từ tác phẩm Đường Kách Mệnh đến Bản Di chúc cuối cùng của Người.
Bác Hồ nói và thực hành "Kiệm"
Trong bài báo “Cần kiệm liêm chính” in trên 4 số Báo Cứu Quốc tháng 5 và tháng 6 năm 1949, Bác Hồ viết: “Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới Liêm được”. Bác Hồ thường căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiền bạc; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức. 
 
Suốt cuộc đời, có thể nói từ khi bôn ba xứ người cho đến khi ở trên đỉnh cao quyền lực của Chủ tịch nước, Bác Hồ của chúng ta là người rất tiết kiệm. Chuyện về sự tiết kiệm, mà lẽ ra với cương vị của Bác là được hưởng, là rất nhiều. Dường như trên các góc độ khác nhau, ta vẫn luôn thấy Bác Hồ thực hành tiết kiệm một cách cảm động.
 
Chuyện về ngôi nhà sàn của Bác Hồ là câu chuyện rất đáng suy ngẫm. Bác đã “chỉ đạo” tiết kiệm từ khi có ý định làm nhà. Nhưng rồi, chắc không ai lại nở lòng để Bác ở trong ngôi nhà quá giản dị. Nhớ khi ngôi nhà sàn làm xong, Bác tổ chức liên hoan, mời anh em công nhân ăn kẹo, uống nước. Bác nói:
 
- Cái nhà Toàn quyền kia hàng trăm người phải làm trong 6 năm mới xong, còn nhà của Bác các chú chỉ làm trong 1 tháng là xong. Thế là nhanh và tốt. Nhưng còn một khuyết điểm, các chú có biết là khuyết điểm gì không?
 
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh thưa với Bác:
 
- Thưa Bác, so với ý Bác dặn thì ngôi nhà có to hơn ạ.
 
Bác bảo:
 
- Chú nói đúng. Nước ta chưa giàu, dân ta còn nghèo, chưa đủ nhà ở. Bác ở thế này là tốt lắm rồi. Các chú không phải lo cho Bác. Rồi Bác nói nhỏ với kiến trúc sư:
 
- Chủ tịch nước ở cái nhà bé thế này, để Chủ tịch tỉnh ở cái nhà to hơn một chút là vừa!
 
Nhà ở của Bác chỉ là một ngôi nhà sàn gỗ lợp ngói, trên gác có hai phòng, ỗi phòng hơn 10 m2, vậy mà Bác đề nghị để đồng chí Phạm Văn Đồng sử dụng một phòng, để khỏi lãng phí. Một tổng biên tập nước ngoài được Bác tiếp tại nơi đó đã kể lại: “Chúng tôi được dẫn vào tầng dưới ngôi nhà sàn của Bác Hồ. Chúng tôi đợi Người ở đấy. Tôi còn kịp lướt nhìn mọi thứ được xếp đặt trong phòng khách của Người. Gọi là phòng khách của vị nguyên thủ quốc gia mà thật vô cùng giản dị, có lẽ không khác những gian nhà của nông dân Việt Nam mà tôi có dịp tới. Trong gian phòng này có lẽ chỉ có bộ bàn ghế mây được coi là nổi bật”.
 
Một nhà văn đã viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới, có một vị Chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ, bên cạnh cái ao nuôi cá làm “cung điện” của mình”.
 
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần kể: Ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm. Bởi vì Cụ trọng và tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ, đức lớn hài hoà ở một con người.
 
Khi dùng các món ăn bao giờ Bác cũng dùng hết, không để thừa lãng phí. Hồi 1957, Bác về thăm quê, lần ăn cơm với lãnh đạo tỉnh, khi đưa thêm các món ăn, Bác gạt đi: Dùng hết lấy thêm, đừng để người khác ăn thừa của mình.
 
15 năm cuối ở Hà Nội, lúc dân đói, kinh tế còn khó khăn, Bác đã thực hiện: Chiều thứ 7 hàng tuần, ăn cháo để tiết kiệm thêm một chút gạo cho người nghèo. Dân, cán bộ ăn cơm độn ngô, khoai, sắn bao nhiêu phần trăm, thì Bác cũng thực hiện bấy nhiêu phần trăm giống như cán bộ, như dân. Khi đi công tác, Bác mang cơm nắm với muối vừng.
 
Mùa rét, Bác Hồ có một cái áo bông của đồng bào biếu. Bác mặc đã nhiều năm, bông đã xẹp không ấm nữa, cái vỏ bọc ngoài đã phai màu, lại rách ở vai. Bác bảo vá lại cho Bác. Nhân dịp này, anh em không dám nói thay áo khác, chỉ xin Bác cho thay cái vỏ bọc ngoài cho mới. Bác bảo:
 
- Này chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá thế này là cái phúc của dân đấy. Sao chú lại dám bỏ cái phúc ấy đi ?
Bác còn nói thêm: “Bây giờ nhiều cụ già ở nông thôn có được cái áo bông này là quý lắm đấy chú ạ”. Hiện nay cái áo bông vá vai ấy vẫn còn trong bảo tàng Hồ Chí Minh.
 
Bác cũng thường nói với anh em cấp dưỡng:
 
- Các chú làm thức ăn cho Bác ít thôi. Bác ăn không hết, để người khác ăn thì không nỡ, mà đổ đi thì phí.
 
Hồi Bác còn ở ngôi nhà cũ của người thợ điện, thấy nóng bức, anh em ngoại giao ở nước ngoài mua gửi về biếu Bác một chiếc điều hòa nhiệt độ. Bác gọi đồng chí Vũ Kỳ lên bảo:
 
- Chiếc máy này tốt đấy chú ạ, các chú nên đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước, Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là tốt rồi.
 
Điều làm chúng ta cảm động là khi nói đến nhà ở, đến áo mặc, Bác đều nghĩ đến nhân dân. Một lần, một nhà văn nữ nước ngoài vào thăm khu nhà Bác ở. Lúc ấy Bác đã mất, thấy ngôi nhà giản dị quá, nhà văn xin phép được mở cái tủ áo của Bác. Và khi nhìn thấy trong chiếc tủ gỗ đơn sơ chỉ treo vẻn vẹn có vài ba bộ quần áo ka ki đã bạc màu, bên dưới là một đôi dép cao su đen... Thế là nữ nhà văn lấy khăn lau nước mắt. Trong bài thơ “Người chẳng có gì riêng” nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
 
“Giấu mình đi, Người không làm phiền ai tất cả
Dép một đôi, áo quần vài bộ
Chỉ có trái tim bao la là tất cả gia tài
Người không một mảnh vườn riêng
Một đứa con riêng - Người chẳng có
Chỉ có vầng trăng chia đều cho cháu nhỏ
Và hát chung cùng nhân dân bài hát
Kết Đoàn!”
 
Kể những câu chuyện ấy mà lòng cứ thấy se lại. Cái vĩ đại, thánh nhân ở Bác Hồ là đã nói là làm. Làm đến nơi đến chốn. Làm cho bằng được. Làm mà không chút vấn vương, so bì. Chúng ta đã nói bao nhiêu điều tốt đẹp về Bác, thì làm theo đạo đức của Bác cần phải như thế. Cái đó là thiết thực.
 
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta thực hành tiết kiệm. Tấm gương tiết kiệm của Bác chúng ta cần phải học theo. Làm theo trong xây dựng và trang thiết bị cho công sở sao cho tiết kiệm và phù hợp, đừng phô trương, lãng phí, quá tiện nghi,...Hiện nay, báo chí đề cập nhiều địa phương có nhiều công sở quá lãng phí. Nếu vậy, thì cần phải sửa. Không sửa là không làm theo lời Bác dạy. Mà không theo lời Bác dạy là không thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Và tất nhiên, cần xem xét trách nhiệm. Trung Quốc rất cương quyết vấn đề này.
 
Cũng cần nhận thức lại sự tiết kiệm của Bác Hồ. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: Chớ có hiểu lầm rằng, Bác Hồ sống khắc khổ theo kiểu nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật. Bác Hồ sống tiết kiệm, thanh bạch trong đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ, ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất càng giản dị thì càng phù hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là cuộc sống thật sự văn minh mà Bác Hồ đã nêu gương sáng.