Phát huy sức trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới

Thứ tư - 25/07/2012 03:38

QTV - Chúng tôi đến với thôn Chè Phạ - xã Đồng Tâm - huyện Bình Liêu vào 1 buổi sáng mùa hè mưa tầm tã. Đường trơn ngập bùn và đất đỏ nên phải gần 12h giờ trưa xe mới tới được trường tiểu học thôn Chè Phạ, nơi đội sinh viên tình nguyện trường ĐH công nghiệp Quảng Ninh đang thực hiện chiến dịch tình nguyện hè với chủ đề: Phát huy tri thức chung tay xây dựng nông thôn mới.

Cùng xuống đồng cấy lúa với nông dân
Cùng xuống đồng cấy lúa với nông dân

Đang mưa tầm tã vậy mà đến 13h, trời đã quang đãng, nắng ráo. Ngày tình nguyện thứ 10 của các bạn sinh viên bắt đầu trong thời tiết khá mát mẻ. 18 sinh viên tình nguyện đến từ nhiều miền quê khác nhau, có những sinh viên mới qua năm thứ nhất, thứ hai, người nhiều tuổi nhất cũng chỉ sinh năm 1989. 15 ngày tình nguyện tại xã Đồng Tâm - huyện Bình Liêu đã đưa họ trở thành 1 gia đình: cùng ăn, cùng làm, cùng chia sẻ với nhân dân địa phương những công việc hữu ích.

Đội trưởng Trần Văn Bách - chủ tịch hội sinh viên trường đại học Công nghiệp QN. Đối với Bách thì đây là mùa hè tình nguyện thứ 4 và cũng là mùa hè tình nguyện cuối cùng với tư cách 1 sinh viên. Là sinh viên năm cuối vừa ra trường, Bách vẫn đảm nhiệm vai trò người truyền lửa cho các hoạt động tình nguyện của trường Đại học Công nghiệp QN.

4 năm kinh nghiệm với những chương trình tình nguyện tại vùng sâu vùng xa, theo Bách thì tình nguyện không chỉ cần sự nhiệt tình, mà còn cần rất nhiều sự chuẩn bị chu đáo khác, để mỗi chuyến đi sẽ đạt được nhiều việc làm có ích nhất, để mỗi cuộc hành trình đều mang lại thật nhiều niềm vui. Vì vậy trước mỗi chuyến đi, đội hình tình nguyện phải được lựa chọn thật tinh nhuệ, 18 sinh viên được tuyển chọn từ trên 500 hồ sơ đăng ký đã trải qua 1 khóa huấn luyện mềm về các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng tổ chức các hoạt động tập thể. Ngoài ra không thể thiếu những bài tập thể lực, tập bơi, tập chạy bộ.... Và hơn hết là tất cả phải chấp hành kỷ luật theo hiệu lệnh của người đội trưởng.
 

Tham gia sinh hoạt hè với các cháu thiếu niên, nhi đồng
Tham gia sinh hoạt hè với các cháu thiếu niên, nhi đồng

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với chiếc còi mà Bách gọi là vật bất ly thân từ 3 năm nay khi Bách đảm nhiệm vai trò đội trưởng đội tình nguyện. Theo bạn chia sẻ thì với 1 đội tình nguyện, việc tổ chức cho các bạn làm việc theo kế hoạch là quan trọng nhất, và chiếc còi như 1 cách ra tín hiệu để tập trung toàn đội, thống nhất theo 1 nhiệm vụ mà người đội trưởng phân công. Tiếng còi như 1 hiệu lệnh mang tác phong kỷ luật quân đội: nghiêm túc, khẩn trương và cháy bỏng quyết tâm.

Đảm nhiệm việc xây hầm Bioga cho 2 gia đình, công việc này vừa đòi hỏi sức khỏe bền bỉ và cả những kiến thức về kỹ thuật xây dựng. Mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt, trên lưng áo xanh thanh niên tình nguyện, không quản ngại vất vả các bạn đã hoàn thành được phần đào hố và đang xây vòm hầm bioga.

Không phải không có lúc gặp khó khăn, khi đào đất gặp những hòn đá to bằng 2 người ôm, rồi khi xây vòm khá vất vả, từng bị đổ lên đổ xuống vài lần. Lần sau rút kinh nghiệm cho lần trước, mệt thì nghỉ, rồi tự động viên nhau, những phần việc khó khăn nhất cũng dần dần được khắc phục.

Giúp nhân dân có thêm những công trình sản xuất và sinh hoạt thuận tiện, nhưng quan trọng hơn là giúp đỡ nhân dân về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, ăn ở hợp vệ sinh để nâng cao sức khỏe cho họ. Cuối mỗi ngày làm việc, sinh viên tình nguyện lại đến tận nhà bà con để lắng nghe chia sẻ những khó khăn, vất vả, động viên và hướng dẫn những cách làm việc và sinh hoạt khoa học. Sự gần gũi và giúp đỡ ấy đã dần được bà con thấu hiểu và yêu mến.

Bác Nông Sân Hà, 1 trong 2 gia đình được đội sinh viên tình nguyện giúp xây hầm bioga đã vui vẻ chia sẻ: “Các cháu sinh viên tình nguyện rất nhiệt tình giúp đỡ, chúng tôi rất cảm động. Gia đình chúng tôi chỉ biết ghi nhận trong trái tim mình, chúc các cháu có 1 sức khỏe tốt và sau khi trở về trường học sẽ đạt được ước mong của bản thân.”

Ngay cạnh nhà văn hóa thôn Chè Phạ là chuồng trâu của 1 hộ gia đình, rất mất vệ sinh và làm xấu đi hình ảnh của 1 trung tâm văn hóa tại địa phương. Đội sinh viên tình nguyện trong dịp này đã đến gia đình để giúp đỡ việc phá dỡ, di dời chuồng trâu, góp phần trả lại vẻ đẹp văn minh, môi trường sạch đẹp cho địa chỉ sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương.
 

SV tình nguyện giúp di dời chuồng trâu
Chiếc áo xanh tình nguyện đã trở thành hình ảnh đại diện đẹp đẽ nhất của tinh thần và sức trẻ

Sự có mặt của sinh viên tình nguyện đem lại không khí vui tươi, rộn ràng lan tỏa khắp mọi nơi. Những bóng áo xanh thấp thoáng trên thửa ruộng đang cấy, vừa giúp bà con cấy lúa vừa hát vang bài ca tuổi trẻ, niềm vui trong ánh mắt em thơ khi được các anh chị sinh viên dạy hát, dạy múa và tặng rất nhiều sách bút, niềm vui của nhân dân thôn Chè Phạ trong ánh lửa trại bập bùng cùng những lời ca, tiếng hát hòa nhịp của thanh niên tình nguyện với thanh niên và trẻ em địa phương.

Công việc tình nguyện còn mang lại những trải nghiệm bổ ích và cung cấp thêm nhiều vốn sống cho thế hệ trẻ. Bởi với nhiều bạn trẻ, đây là lần đầu tiên họ tự mình cầm xẻng, cuốc, nháo vữa, đặt gạch, gánh lúa trên vai còn chưa đúng cách, xuống ruộng cấy lúa còn sợ đỉa.... Không phải không có những lúc chán nản, mệt mỏi thâm chí muốn bỏ cuộc, nhất là trong những ngày đầu chưa quen việc, trời nắng gay gắt, mồ hôi túa ra mà công việc chưa quen nên cứ làm được 1 phần lại hỏng. Nhưng người nọ động viên người kia, và tiếng cười, tiếng hát đã xua tan tất cả, họ lại hòa làm 1 theo nhịp đập của những trái tim tình nguyện.

Bạn Nguyễn Thanh Tùng - sinh viên năm thứ 3 chia sẻ đã 2 lần tham gia tình nguyện xa nhà, mỗi lần lại có 1 cảm nhận riêng: “Đến với Bình Liêu cảm nhận rõ nhất là tình cảm thân thiện, yêu quí của bà con, động viên toàn đội những khi vất vả. Chương trình chung tay xây dựng nông thôn mới rất thiết thực và hiệu quả, giúp nhân dân cải thiện điều kiện sinh hoạt và nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường sống.”

Cùng suy nghĩ với Tùng nhưng với bạn Phạm Thị Nhâm thì đây là lần đầu tiên đi tình nguyện ở xa: “Cảm giác nhớ nhà trong những ngày đầu đã dần được xua tan trong bầu không khí vui tươi của cả đội. Sự trải nghiệm này với tất cả các bạn đem lại sự chín chắn, điềm tĩnh hơn trước những khó khăn và biết hòa mình vào các hoạt động tập thể.”

Đến gần hơn với bà con, để thấy đất nước mình rộng lớn và nhân dân mình còn nhiều nơi khó khăn thiếu thốn lắm. Để biết yêu những gì mình đang có và cống hiến nhiều hơn làm đẹp cho quê hương mình - Những tâm sự của đội trưởng Trần Văn Bách cũng chính là suy nghĩ của toàn đội và chính chúng tôi khi được cùng các bạn trải nghiệm 1 ngày làm tình nguyện.
 

Những gương mặt tình nguyện
Những gương mặt tình nguyện

15 ngày tình nguyện của các bạn tại Bình Liêu đã đi được hơn 2/3 chặng đường. Những giọt mồ hôi đổi lấy những niềm vui và nụ cười rạng rỡ. Niềm vui ấy đã lan tỏa khắp không gian nơi đây.

Và chiếc áo xanh tình nguyện đã trở thành hình ảnh đại diện đẹp đẽ nhất của tinh thần và sức trẻ tình nguyện. Khoác lên mình màu áo xanh hi vọng, và thanh niên tình nguyện sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì tổ quốc cần.

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn