Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh

https://www.qui.edu.vn


Nguyên tắc và các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo

Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về Quản lý, sử dụng pháo. Để thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần nâng cao nhận thức về nguyên tắc và các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo để tránh bị nhầm lẫn, dễ dẫn đến vi phạm pháp luật. Cụ thể:
Nguyên tắc và các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo
1. Nguy cơ tai nạn vì pháo 
Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến việc tự chế pháo nổ bằng các nguyên liệu trôi nổi trên mạng xã hội. Cá biệt, có vụ đã khiến nhiều trẻ em bị thương vong. Các vụ việc này đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính chất nguy hiểm của việc tự chế pháo nổ…
Theo các chuyên gia, pháo nổ là sản phẩm chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ. Cách chế tạo pháo khá đơn giản nhưng lại tiềm ẩn hiểm họa khôn lường. Bởi trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh… Đa số người chế tạo pháo do tiếp xúc gần, nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vết bỏng nặng sẽ gây nhiễm độc và để lại nhiều di chứng thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Ngoài ra, nạn nhân khi bị bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Bỏng ở hai tay và bàn tay sẽ bị sẹo co kéo… Điều đáng nói, dù nguy hiểm là vậy và cơ quan chức năng đều cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng đến nay tai nạn vẫn không giảm, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán.  
2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Việc quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định vả bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường.
- Người quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định.
- Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo và các loại giấy phép bị mất, hư hỏng phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền.
- Pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo khi không còn nhu cầu, hết hạn sử dụng, không còn khả năng sử dụng phải được tiêu hủy theo quy định.
- Việc tiêu hủy pháo, thuốc pháo phải bảo đảm đúng trình tự, an toàn, bảo vệ môi trường và theo quy định của pháp luật.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm
- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.
- Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
- Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
- Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.
- Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.
- Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

4. Tổng hợp các mức phạt hành chính về quản lý sử dụng pháo hoa, pháo nổ
Các mức phạt hành chính về quản lý sử dụng pháo hoa, pháo nổ trong dịp lễ, Tết được quy định tại Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
 
1 Lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo nổ không còn giá trị sử dụng. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng Điểm đ khoản 1 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
2 Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo hoa, pháo nổ; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng Điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
3 Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo hoa, pháo nổ; Điểm c khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
4 Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại pháo hoa, pháo nổ; Điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
5 Mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo hoa, pháo nổ; Điểm đ khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
6 Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo hoa, pháo nổ; Điểm k khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
7 Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; Điểm n khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
8 Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo hoa, pháo nổ. Điểm o khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
9 Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng Điểm a khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
10 Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép; Điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
11 Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng Điểm e khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
12 Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng pháo hoa, pháo nổ dưới mọi hình thức. Điểm i khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
13 Mang trái phép pháo hoa, pháo nổ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng Điểm c khoản 5 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP
       Với những quy định trên mong rằng cán bộ giảng viên và học sinh sinh viên, học viên có thể hiểu rõ hơn và nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo, không mua bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ trái quy định; kịp thời phát hiện, tố giác, đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì bình yên và hạnh phúc của Nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá, mừng Đảng, mừng Xuân, đón mừng năm mới vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm./.