Chuyện ghi trong kỳ thi đại học

Thứ ba - 29/03/2011 05:27

Chuyện ghi trong kỳ thi đại học

         Mùa thi đại học, cao đẳng năm nay trên địa bàn tỉnh có 7 trường đại học, cao đẳng tổ chức thi tuyển. Trong đó, đợt I (diễn ra từ ngày 3 đến 5- 7- 2001) có duy nhất Đại học Công nghiệp Quảng Ninh. Không “sốt” như Hà Nội hay các tỉnh, thành phố lớn có tập trung đông các trường đại học, cao đẳng nhưng với 4.772 hồ sơ thí sinh của 29 tỉnh, thành trong cả nước đăng ký dự thi, mùa thi của Đại học Công nghiệp Quảng Ninh cũng phần nào “hâm nóng” thêm cái nắng của những ngày hè này.

          1 năm mới có 3 ngày

          Mới 9 giờ sáng mà trời đã như đổ lửa. Trong vai phụ huynh dẫn thí sinh đi thi, chúng tôi dừng chân trước lối dẫn vào cổng Đại học Công nghiệp Quảng Ninh. Làm như không để ý đến nhóm sinh viên tình nguyện trước cổng trường, tôi chủ động tiến lại đám xe ôm đang hướng ánh mắt mời gọi. Chọn một nữ xe ôm có dáng người phốp pháp, mặt bịt kín như bưng, tôi hỏi giá: “Vào đến trường bao nhiêu hả cô?”.- “Rẻ thôi, 2 người 4 chục (40.000 đồng-PV)”. Ước chừng quãng đường vào đến cổng trường chưa đầy 800m mà bị hét đến 40.000 đồng, tôi lắc đầu quay đi. Nữ lái xe ôm vẫn cố nèo thêm: “Xe nào cũng vậy, giá chung rồi. Đi nhanh kẻo nắng”. Thấy tôi tiến lại nhóm thanh niên tình nguyện để trao đổi, nữ lái xe ôm liền ném theo cái lườm sắc lạnh.

Sinh viên tình nguyện "tiếp sức mùa thi" hướng dẫn thí sinh và người nhà đến điểm thi

           Cổng trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh sau một tuần vắng lặng vì sinh viên nghỉ hè hôm nay lại trở lên náo nhiệt. Rất nhiều loại hình dịch vụ mọc lên san sát để phục vụ thí sinh và người nhà, từ chỗ nghỉ trọ, internet, nước giải khát, sim, thẻ đến các hàng quán cơm bình dân, cơm hộp, phục vụ ăn sáng, ăn đêm. Tại các quán hàng cơm bụi, thức ăn nấu chín được bày sẵn trong từng chiếc thau nhôm, thau nhựa nhỏ. Bên ngoài là những chiếc hộp nhựa đựng cơm xếp tầng, xếp lớp.

          Tuấn- nam sinh viên năm cuối của Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, quê mãi Nghệ An không về hè vì đưa em trai đi thi tại trường cho biết: “Mấy ngày thi thì hàng quán mọc thêm nhiều, nhất là dãy hàng nước giải khát ngay sát cạnh trường và đội ngũ xe ôm. Chị cần gì vào đó hỏi là ra hết”.

         Tôi chọn một hàng nước vắng khách để lân la tìm chỗ thuê trọ. Bà Hoan (chủ quán) vồn vã: “Thế nó con trai hay con gái. Con gái thì ở luôn trên gác nhà bác. Nếu không ở cùng đứa con gái bác vừa mới về hè thì ở một mình cũng được. Nhà bác chỉ có hai mẹ con thôi. Giá cả bình dân 50.000 đồng/ngày,đêm. Ở quanh đây cũng không còn chỗ trọ đâu, kín hết rồi. Cả năm mới có ngày thi nên bác mới dồn phòng vậy chứ ngày thường nhà bác không cho thuê trọ đâu”. Cũng theo bà Hoan, thí sinh dự thi có nhiều cách để lựa chọn chỗ trọ, hoặc là thuê trong các khu nhà trọ hàng ngày sinh viên vẫn thuê hoặc thuê nhà trọ như của nhà bà hoặc là vào KTX của nhà trường.

        Theo khảo sát của chúng tôi,  mức giá nhà trọ của người dân xung quanh khu vực thi đưa ra cao hơn so với mức trọ trong KTX từ 30- 40.000 đồng/ngày, đêm nhưng rất ít thí sinh lựa chọn trọ trong KTX vì hiện nay KTX đã xuống cấp, điều kiện sinh hoạt không bằng so với trọ bên ngoài.

Nhiều phụ huynh mắc võng, thậm chí trải nilon ngay cổng trường để chờ con thi (ảnh chụp tại buổi thi sáng 4-7 tại HĐT Mạo Khê II)

           Nhưng không phải địa điểm thi nào cũng phong phú dịch vụ như ở điểm Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh. Anh Đỗ Văn Hùng, Thống Nhất, Hoành Bồ kể: “Con tôi dự thi ở điểm Trường THCS Mạo Khê II. Hôm qua, vừa dừng xe máy trước cổng trường đã có nhiều người mời chào cho thuê chỗ nghỉ trọ. Giá trung bình từ 50 đến 70.000 đồng/ngày, đêm. Bố con tôi có người nhà gần đây nên cũng đỡ được một khoản. Ở đây sẵn chỗ nghỉ trọ, nước giải khát nhưng mà chỗ ăn thì lại hơi khó tìm. Thành ra cũng vất vả khi mà trời nắng nóng như thế này”. Thời tiết nắng nóng có lúc lên tới gần 40oC cộng với áp lực thi cử và đang là thời điểm diễn ra hồi kết của mùa Worldcup đã có những tác động không nhỏ đến thí sinh. Ở HĐT Trường THCS Mạo Khê II, ngay buổi sáng thi môn đầu tiên (môn Toán), đã có 1 thí sinh bị ngất do quá căng thẳng; 1 thí sinh đau bụng do ăn uống không vệ sinh và 1 trường hợp lỡ thi vì… mải ngồi uống nước cho tỉnh táo mà quên vào thi.

          Thí sinh Hoàng Tuấn Nam quê ở Hải Dương khoe: “Hôm qua em vẫn thức đến tận 3 giờ sáng để xem worldcup. Thi năm nay không đỗ sang năm còn có thể thi lại. Nhưng worldcup mà không xem thì sang năm làm gì có mà xem. Xem bóng đá phải xem trực tiếp mới hay chứ xem lại còn gì thú vị nữa”.

          Và chuyện những “tình nguyện viên”

          Bà Tam quê ở Thái Bình lần đầu tiên đưa con đi thi đại học đang lớ ngớ chưa biết địa điểm theo giấy báo thi ở chỗ nào thì được một nhóm sinh viên tình nguyện tận tình chỉ dẫn. Bà hồ hởi khoe: “Các cô, cậu ấy nhiệt tình lắm. Trước khi đi thi, ông nhà tôi cứ lo vì tôi chưa bao giờ đi ra khỏi làng quê cả. Tôi lại say xe chứ. Thằng con trai cứ một tay ôm đồ, một tay xốc nách mẹ. Đến đây lạ nước, lạ cái chẳng biết đường ngang, ngõ tắt thế nào. Thấy băng zôn, khẩu hiệu lại có thanh niên tình nguyện cứ rẽ vào hỏi. Thế mà lại đúng địa chỉ cô à! Lại còn được hỏi giúp để thuê chỗ trọ nữa. Đỡ bao nhiêu vất vả”.

         Còn ông Kháng quê ở Bắc Ninh kể: “Mấy cháu sinh viên tình nguyện đứa nào cũng nhiệt tình, thân thiện. Tôi hỏi chuyện, các cháu đều bảo không về hè mà ở lại trường để tham gia tình nguyện. Chương trình này có ý nghĩa thiết thực đấy!”… Còn rất nhiều lời khen ngợi của các bậc phụ huynh dành cho các bạn sinh viên tham gia chương trình: “Tiếp sức mùa thi, giúp bạn đến trường” của Hội sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh mà chúng tôi được nghe. Chứng kiến những mái đầu chỉ với chiếc mũ tai bèo, chiếc áo màu xanh tình nguyện thấm đấm mồ hôi tôi cảm thấy mình như được hoà vào hừng hực sức trẻ, nhiệt huyết và tình cảm chân thành của các bạn.

Thí sinh kết thúc môn thi đầu tiên, môn toán với tâm trạng phấn khởi vì làm được bài

          Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh (được nâng cấp từ Trường CĐ Công nghiệp Quảng Ninh từ năm 2007) là trường ĐH duy nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh. Năm nay là năm thứ hai Trường tổ chức thi tuyển và cũng là lần thứ 2 chúng tôi được trực tiếp tham gia chương trình: “Tiếp sức mùa thi, giúp bạn đến trường” của Hội sinh viên nhà trường. So với năm 2009, năm nay số lượt hồ sơ đăng ký dự thi tại trường tăng 400 hồ sơ (4.772 hồ sơ). Với số lượng hồ sơ này, Trường đã thành lập 7 HĐT với 9 địa điểm thi tại Trường và các trường tiểu học, THCS, THPT lân cận. Lường trước việc thí sinh và người nhà thí sinh sẽ gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm thi, chỗ nghỉ trọ… Hội sinh viên nhà trường đã đề xuất với Ban giám hiệu phát động chiến dịch “Sinh viên tình nguyện mùa hè xanh năm 2001” trong đó có nội dung tình nguyện tại trường bằng chương trình “Tiếp sức mùa thi giúp bạn đến trường”. Chương trình được khởi động từ sáng mồng 2 đến ngày 5- 7- 2010.

          Sinh viên Trần Văn Bách, Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh cho biết: “Nhiệm vụ của đội sinh viên tình nguyện chúng em là hướng dẫn, giúp đỡ các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh năm 2010 làm thủ tục dự thi thuận lợi nhất; đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các địa điểm thi tuyển sinh của trường, hướng dẫn các thí sinh tới địa điểm dự thi nhanh chóng, an toàn; tìm hiểu và tư vấn nhà trọ chất lượng, giá rẻ, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho các thí sinh”… Chừng ấy nhiệm vụ, theo lời của Bách là khá nhẹ nhàng, chẳng có gì vất vả nhưng có chứng kiến các bạn sinh viên dầm mình dưới cái nắng nóng gần 40oC mà chỉ có độc một chút bóng mát của chiếc ô mới thấy hết sự hy sinh, tinh thần trách nhiệm của các bạn. Trong số 70 sinh viên tham gia chương trình này có tới 1 nửa là sinh viên ngoại tỉnh. Sinh viên xa nhất quê ở mãi Hà Tĩnh, Nghệ An. Vừa được nghỉ hè là các bạn bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho chiến dịch với các chương trình từ xây dựng kế hoạch đến tập văn nghệ chuẩn bị giao lưu…

           Sinh viên Bùi Thiện Kỳ, quê ở Hà Tĩnh chia sẻ: “Chúng em được nhà trường, Hội quan tâm tạo điều kiện cho ở miễn phí trong KTX trong thời gian tham gia tình nguyện. Những bạn nào nhà ở Quảng Ninh có xe máy thì được hỗ trợ thêm một chút tiền xăng xe để hoạt động. Đó cũng là ưu ái rồi. Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên mà chị. Tuổi trẻ chúng em luôn mong được cống hiến. Được cống hiến cũng là niềm hạnh phúc”. Nghe tâm sự của Kỳ tôi đã hiểu và lý giải được vì sao tuổi trẻ ở Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh lại nhiệt tình đến vậy. Mỗi ngày các bạn chỉ được hỗ trợ 25.000 đồng để uống nước, thậm chí, có những khi, các bạn phải làm xe ôm miễn phí để tăng bo hàng chục lượt thí sinh đến địa điểm thi mà vẫn vui vẻ, nhiệt tình, hào hứng…

           Ngay khi biết Hội sinh viên nhà trường tổ chức chương trình này đã có rất nhiều sinh viên đến đăng ký. Để chương trình thực sự hiệu quả, Hội sinh viên nhà trường đã lựa chọn gần 70 sinh viên có sức khoẻ, năng nổ, nhiệt tình để tham gia. Các tình nguyện viên được chia làm 12 đội, cắm chốt tại các điểm nút giao thông quan trọng như ngã ba đường 10, ngã tư Mạo Khê, trước cổng trường những nơi đặt địa điểm thi… So với chương trình tình nguyện này của năm trước, năm nay số sinh viên tham gia đông hơn (tăng 35 sinh viên); chương trình tổ chức bài bản hơn. Hội sinh viên đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng hội viên; tìm hiểu và “đặt hàng” với các chủ nhà trọ để tạo ngân hàng nhà trọ giá rẻ hướng dẫn cho thí sinh và người nhà thí sinh đăng ký trọ. Với mỗi đội, đều có một đội trưởng để phân công và hướng dẫn công việc cho các thành viên trong đội. Đặc biệt năm nay, Hội sinh viên Trường còn vẽ sơ đồ các điểm thi tuyển sinh, trên đó chú thích rõ ràng từng điểm thi, số phòng thi, và số thí sinh dự thi của từng điểm thi để in thành nhiều bản gửi đến tận tay từng thí sinh. Ngoài ra Hội còn tổ chức đón tiếp, hướng dẫn thí sinh theo mô hình “lán đồng hương”, nghĩa là, tổ chức các nhóm sinh viên cùng quê giúp đỡ các thí sinh đồng hương. Năm trước, đồng hành cùng các bạn sinh viên chúng tôi đã không khỏi ngậm ngùi ái ngại khi thấy các bạn bị những người lái xe ôm chèn ép, thậm chí là đe doạ vì “cướp” mất khách của họ; đứng hướng dẫn bên đường 18 A mà đứng trước cửa nhà là bị người dân ra đuổi “để họ còn bán hàng”… Nhưng năm nay thì tình hình đã bớt “căng thẳng” hơn. Vì ngay khi Hội đề xuất kế hoạch, Ban giám hiệu nhà trường đã cử lãnh đạo cùng đại diện của Hội đến làm việc với lãnh đạo các xã, thị trấn để phối hợp. Nhiều xã, thị trấn đã cử lực lượng dân quân tự vệ cùng tham gia đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các điểm nút, điểm đặt HĐT. Vì thế, các bạn sinh viên đã thuận lợi và “tự tin” hơn rất nhiều để làm nhiệm vụ. Và các bạn đã hoàn thành nhiệm vụ với tất cả tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình của tuổi trẻ. Sự có mặt của các bạn đã giúp không ít thí sinh, phụ huynh giảm đi được những phiền toái, khó khăn trong mùa thi này. Không khí mấy ngày thi ở đây cũng bớt “nóng” hơn so với nhiều địa phương khác, tạo một ấn tượng đẹp trong lòng những thí sinh, những bậc phụ huynh về dự thi vào trường.

                                                                                                                                                                                                                   CN - Xuân Quảng

 

 Từ khóa: đại học, cao đẳng

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn